Tác phẩm "Đối nguyệt"

Bác đã sáng tác rất nhiều bài thơ làm rung động lòng người. Trong đó, "Ngắm trăng" là một trong những thi phẩm xuất xắc nhất của Người. Đặc biệt đây là một trong những tập thơ của tuyển tập "Nhật ký trong tù" nổi tiếng mà Bác để lại trong suốt khoảng thời gian bị tù đày:

Tháng 8 năm 1942, Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) bí mật lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ viên trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam. Khi đến thị trấn Túc Vinh thì Người bị chính quyền địa phương bắt giữ, rồi bị giải tới giải lui gần 30 nhà giam của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, bị đày đọa cực khổ hơn một năm trời. Trong những ngày đó, Bác đã viết "Nhật ký trong tù" bằng thơ chữ Hán gồm 133 bài, phần lớn là thơ tứ tuyệt. Và "Ngắm trăng" chính là một trong những bài thơ đó.

Nội dung bài thơ "Ngắm trăng" là bài thơ tứ tuyệt giản dị mà hàm súc, cho thấy lòng yêu thiên nhiên đến say mê và phong thái ung dung của Bác Hồ. Dù trong cảnh ngục tù cực khổ tối tăm, tâm hồn người tù vĩ đại ấy vẫn rộng, tìm đến giao hoà với vầng trăng sáng ngoài trời:

Phiên âm:

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa

Đối thử lương tiêu nại nhược hà?

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

Dịch nghĩa:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?

Người hướng ra trước song ngắm trăng sáng

Từ ngoài khe cửa, trăng ngắm nhà thơ.

Dịch thơ:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Tuy Bác Hồ viết "Nhật ký trong tù" chỉ để "Ngâm nợi cho khuây" trong khi đợi tự do đến, nhưng tập thơ vẫn mang cho người đọc thấy rõ tâm hồn cao đẹp, ý chí cách mạng phi thường và tài năng thơ xuất sắc của Người. Có thể nói, "Nhật ký trong tù" chính là một viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân tộc. Và bài thơ Ngắm trăng tuy là tả về một cảnh ngắm trăng thông thường nhưng qua đó lại biểu hiện một tâm hồn thanh cao, một phong thái ung dung tự tại của Bác - một nhà thơ - một người chiến sĩ.

"Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ"

Mở đầu bài thơ là hoàn cảnh Ngắm Trăng thiếu thốn với không gian chợt hẹp tù túng của Bác nơi ngục tù. Ngắm Trăng là thú vui tao nhã của những thi nhân xưa. Họ ngắm trăng trên những lầu vọng nguyệt, những vườn hoa với bạn hiền, túi thơ, chén rượu, ... Nhưng nay Bác ngắm trăng trong hoàn cảnh đặc biệt - trong tù. Bằng biện pháp liệt kê cộng điệp ngữ "không" lặp lại hai lần, Người đã khắc họa cuộc sống tù túng thiếu thốn trong tù. Hoa là biểu tượng của cái đẹp, rượu là chất men say ru hồn ta trong đêm khuya thanh vắng. Thiếu đi những điều kiện vật chất "không rượu, không hoa" của những tài tử văn chương để ngắm trăng, tuy nhiên Bác vẫn thưởng thức với phong thái ung dung tự tại. Bác không chỉ thiếu thốn về vật chất mà cả tinh thần. Ấy thế nhưng trong huyết mạch Bác, trong trái tim yêu đời bao la của Người cảm hứng vẫn dạt dào, nồng đượm khiến Bác phải thốt lên "Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ". Ánh Trăng thanh Khiết cao vời vợi như thúc giục gọi mời thi nhân hãy tự do mà giao hòa, chia sẻ. Ta nhận thấy rằng dường như người tù ấy đã thật sự quên ngục tù, quên cái hiện thực tăm tối để hướng tới ánh sáng, thưởng thức cảnh đẹp. Thế là mặc thiếu thốn vật chất, mặc cho sự giam hãm của bốn bức tường chật hẹp, mặc cho song sắt nhà tù, tất cả không ngăn được cảm xúc mênh mông của Bác. Bác thả hồn theo ánh trăng và gửi gắm vào đó khát vọng tự do khôn nguôi của mình. Câu thơ như một lời thì thầm tâm sự.

Cuộc ngắm trăng của Bác Thể xác bị giam cầm nhưng tâm hồn Bác vẫn bay bằng tới thiên nhiên. Điều đó được lý giải bởi tình yêu của Bác với thiên nhiên và còn bởi tịm thần thép không bị khuất phục bởi cái ác, cái xấu. Trăng trong sáng, lòng người cũng trong sáng, giữa Trăng Và người đã có sự giao hòa tuyệt vời:

"Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ."

Quả là một cuộc kỳ duyên hội ngộ bất chấp cả không gian xung quanh của chiếc song sắt, Người và trăng cứ hướng về nhau bằng một tấm lòng đối đáp người tri kỷ. Người thì hướng ra ngoài để ngắm nhìn vẻ đẹp của trăng còn trăng cũng vượt qua song sắt để đến bên người. Một không gian hoàn cảnh tĩnh lặng trong những giây phút giao hoà mãnh liệt nồng nàn giữa Người và trăng. Tư thế ngắm trăng ấy thật đẹp như một cuộc vượt ngục tinh thần. Trăng được nhân hóa khiến hình ảnh vầng trăng và nhà thơ như lặng lẽ nhìn nhau, cảm thông, chia sẻ với mối tình tri ân tri kỷ cùng "đối diện đàm tâm". Trăng và nhà thơ - hai tâm hồn thanh cao dù bị song sắt nhà tù giam cầm vẫn gần gũi sâu nặng ân tình. Sự thổ lộ giãi bày chân thành từ sâu thẳm hồn người đã được trăng cảm động chia sẻ. Ánh trăng lung linh bỗng chốc sống động, linh hoạt "Trăng nhóm khe cửa ngắm nhà thơ". Trước sự hiện diện của trăng đẹp, cái hiện thực tối tăm u ám của nhà tù dường như bị xóa tan, nhường chỗ cho mối giao hòa thiêng liêng giữa nhà thơ tự do và thiêng nhiên vĩnh cửu. Vần thơ của Bác vần thơ thép mà vẫn bao la bát ngát tình. Nghệ thuật nhân hóa ở câu thơ cuối đã làm cho vầng trăng trở nên có hồn tạo ra một khoảnh khắc lãng mạn giàu chất thơ, chất họa. Làm cho hồn người sáng trong, thanh bạch. Câu thơ dựng lên một bức tranh đêm với cảnh người tù ngắm trăng thật đẹp, ấm áp, tươi vui. Có lẽ nói đây là hai câu thơ trăng đẹp nhất, độc đáo nhất bởi những ngôn ngữ đối nhau hay những hình ảnh cân xứng hài hòa. Nó biểu lộ một tâm hồn thanh cao, một phong thái ung dung, khát khao tự do từ bóng tối ngục tù hướng về trăng sáng.

Có thể thấy, "Ngắm trăng" là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật với lời thơ bình dị hàm xúc được viết bằng chữ Hán. Bài thơ đã vô cùng thành công trong việc khắc họa tình yêu thiên nhiên, phong thái ung dung tự tại của Bác với tinh thần lạc quan trong cảnh tù ngục tối tăm. Thể hiện được tâm hồn thi sĩ và yêu đời của Bác dù đang trong hoàn cảnh bị tù đày, bị giam cầm cũng không thể làm lay động tinh thần của một người chiến sĩ yêu nước. Bác đã khéo sử dụng nghệ thuật liệt kê một cách tinh tế, nghệ thuật nhân hóa thật sống động cho ta thấy bác là người yêu thiên nhiên, yêu trăng và tinh thần thép người chiến sĩ cách mạng.

Phân tích bài thơ Ngắm Trăng (Vọng Nguyệt) của Hồ Chí Minh - TÁC PHẨM VỀ TRĂNG HAY NHẤT CỦA NGƯỜI

Nguồn: https://luatminhkhue.vn/cam-nhan-ve-dep-tam-hon-cua-bac-qua-bai-tho-ngam-trang.aspx

Last updated